Ngày 28 tháng 2. QUYỀN HÀNH TỐI CAO

a1

 

21      1  Lòng của vua ở trong tay Đức Gia-vê 

              khác nào dòng nước chảy,

              Ngài làm nghiêng lệch nó bề nào tuỳ ý Ngài muốn.

 

          1   Lòng vua như nước trong tay Đức Chúa Trời,

              Tay nghiêng bên nào nước chảy về bên ấy.

              (Bản Hiện Đại)

Nhiệm vụ của người dân là cầu nguyện cho “vua”. Trước hết, ta khuyên dặn con phải cầu xin, khẩn nguyện, cảm tạ và cầu thay cho mọi người, cho Nhà nước, cho các cấp lãnh đạo, để chúng ta được sống thanh bình, yên tĩnh trong tinh thần đạo đức đoan chính. Đó là điều tốt và đẹp lòng Đức Chúa Trời, Cứu Chúa chúng ta. (I Ti-mô-thê 2:1-3) 

Chúng ta có cầu nguyện theo như Kinh Thánh dạy không? Hiếm khi cầu nguyện cho “vua” nhưng chúng ta lại muốn “vua” quyết định theo ý của chúng ta. Quyền hạn ở trong tay “vua”, dầu vậy câu Châm Ngôn này cho biết thật ra quyền hành ở trong tay Đức Chúa Trời.

Chính vì tin Đức Chúa Trời có quyền hành tối cao nên ông Nê-hê-mi cầu nguyện trước khi xin vua sai ông về Giê-ru-sa-lem để xây lại tường thành. (Nê-hê-mi 2:4-5) Mặc dù vua quyết định, vua bằng lòng sai đi, vua thoả mãn mọi điều ông Nê-hê-mi thỉnh cầu, nhưng nhờ Đức Chúa Trời thôi thúc vua thực hiện. (Nê-hê-mi 2:8b)

Đấng biết trước lịch sử của dân I-sơ-ra-ên đã dùng vua của các nước giúp đỡ họ hồi hương. Chúa phán: “Này ta sẽ đưa tay trên các nước, dựng trụ cờ giữa các dân tộc. Họ sẽ bồng ẵm và kiệu con cái ngươi trên vai. Các vua sẽ làm cha nuôi, các hoàng hậu sẽ làm vú em săn sóc chúng. Các vua chúa, các lãnh tụ sẽ cúi mọp xuống đất lau chân ngươi. Lúc ấy, ngươi sẽ biết ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; ai trông đợi ta sẽ chẳng bao giờ hổ thẹn.” (Ê-sai 49:22-23)

Đấng biết trước lịch sử của thế giới bày tỏ cho tiên tri Đa-ni-ên nhìn thấy mười sừng trên đầu con thú là mười lãnh tụ sẽ nổi lên. Nhưng có một lãnh tụ nổi lên sau, khác các lãnh tụ kia. Lãnh tụ này sẽ tiêu diệt ba vị nổi lên trước. (Đa-ni-ên 7:24) Rồi Đức Chúa Trời giải thích cho sứ đồ Giăng rằng: Mười sừng có nghĩa là mười vua chưa lên ngôi. Họ sẽ nắm quyền hành, trị vì trong một giờ với con thú. Rồi họ đồng lòng trao quyền hành và uy lực lại cho con thú. (Khải Huyền 17:13-14) Những sự kiện đó được Kinh Thánh báo trước: Đức Chúa Trời thúc giục họ thi hành ý định của Ngài, khiến họ đồng lòng trao nước của mình cho con thú để Lời Ngài được ứng nghiệm. (Khải Huyền 17:17)

Vua cầm quyền nhưng Đức Chúa Trời điều khiển vua.

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)

Ngày 27 tháng 2. SỬA DẠY LÀ YÊU THƯƠNG

Ảnh

20 30 Những thương tích và dấu vít làm cho sạch điều ác,

          Và roi vọt thấm vào nơi kín đáo của lòng.

     30 Thương tích roi vọt

          Tẩy sạch tà tâm.

          (Bản Hiện Đại)

Câu Châm Ngôn này không có ý khuyên con người hành xác, tự gây đau đớn cho thể xác để được sạch tội tâm linh; cũng không có ý dạy con người được tẩy sạch tội lỗi nhờ chịu trừng phạt.

Thế giới ngày nay đề cao và bảo vệ con người đến nỗi khi dạy con em phụ huynh không được phép đánh đòn chúng. Còn ở một số nơi thiên hạ không trừng phạt đích đáng kẻ tạt a-xít, hãm hiếp, giết người,… Nhờ nhiều tiền, thầy cãi hay, can phạm có thể thoát bị “đánh đòn”. Vì thế tội ác gia tăng, kẻ có ác tâm không kiêng dè mà cứ phạm tội. Đừng quên rằng trừng phạt, đòn roi chẳng những cần thiết đối với con người mà Đức Chúa Trời cũng sử dụng. Chúa phán: “Ta sẽ trừng phạt tội ác của họ, bằng cây gậy và cây roi.” (Thi Thiên 89:32) Trừng phạt, đòn roi không phải là ghét bỏ mà là thương yêu (Châm Ngôn 13:24), không phải là tuyệt vọng mà “còn hy vọng” thay đổi “để không sa chốn diệt vong” (Châm Ngôn 19:18)

Câu Châm Ngôn nhấn mạnh giá trị và hiệu quả của biện pháp trừng phạt bằng “roi vọt”. Đôi khi cha mẹ hỏi đứa con phạm lỗi: “Việc con làm đáng đánh bao nhiêu roi?” Chắc chắn việc trừng phạt gây nên “những thương tích và dấu vít”, tức là đau đớn về thể xác và “dấu vít” trên cơ thể và trong tâm hồn. Việc đau đớn phải tương ứng với hành vi tội lỗi nặng hay nhẹ. Nhưng “đừng đánh quá” cũng như “đừng làm cho một người anh em mình ra hèn hạ” (Phục Truyền 25:2-3).

Vế thứ hai của câu Châm Ngôn mô tả cây roi đánh xuống không những (1)làm cho đau đớn, (2)để lại “dấu vít” mà còn (3)“thấm vào nơi kín đáo của lòng”. “Đòn roi” thấu đến tâm can của con người (Châm Ngôn 17:10; 20:27) khiến họ sực tỉnh ăn năn sửa đổi.

Chính vì thế mà Kinh Thánh khuyên: Này con, đừng coi thường sự sửa phạt của Chúa Hằng Hữu, đừng bực mình khi Ngài trừng trị. Vì Chúa Hằng Hữu sửa dạy người Ngài yêu thương, như cha đối với con yêu dấu. (Châm Ngôn 3:11-12)

Xin cho người công chính đánh con, – đánh thế là thương. Xin để họ quở con, – quở thế là thoa dầu cho đầu con. Đầu con hẳn không từ chối. (Thi Thiên 141:5)

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)

Ngày 26 tháng 2. GIÀ TRẺ NƯƠNG NHỜ NHAU

27

 

20       29  Sức lực của gã trai trẻ là vinh hiển của người,

                 Còn tóc bạc là sự tôn trọng của ông già.

 

          29  Người trai tráng nhờ sức mạnh mà vẻ vang,

                Bậc lão thành vinh quang vì tóc bạc.

                (Bản Hiện Đại) 

Giới trẻ (thế hệ kế thừa) không tôn trọng người già (thế hệ tiền bối). Ngược lại người già lại coi thường bọn trẻ. Hai thế hệ trở thành đối thủ của nhau. Làm thế nào thu hẹp khoảng cách giữa hai thế hệ? Câu Châm Ngôn này khuyên cả hai thế hệ hãy nhìn nhận nhau và nương nhờ nhau như trẻ cậy cha, già cậy con.

Khi viết thư cho Hội thánh, sứ đồ Giăng nhấn mạnh trải nghiệm, sự hiểu biết của giới phụ lãp. Còn đối với thanh niên, ông viết về sức mạnh. Vậy, tôi xin nói với các bậc phụ lão, những người đã biết Chúa vĩnh cửu, và với các bạn thanh niên khoẻ mạnh biết giữ Lời Chúa trong lòng và đã thắng Sa-tan. (I Giăng 2:14) Cả hai thế hệ đều có mối liên hệ với Chúa và đều có giá trị đối với Chúa và đối với nhau.

Vua Sa-lô-môn viết về thế hệ trẻ như sau: Con sinh trong tuổi thanh xuân, như mũi tên trong tay chiến sĩ(Thi Thiên 127:4), còn người già thì sức mạnh hao mòn với tuổi tác, chân tay run rẩy, lưng khòm cúp, răng rụng dần không còn đủ để nhai, mắt mờ đi… (Truyền Đạo 12:3-5) Mặc dù sức khoẻ hao mòn nhưng già cả thêm khôn ngoan, sống lâu thêm hiểu biết (Gióp 12:12).

Trai tráng nhờ sức mạnh, nhưng cần tránh ỷ vào sức mạnh của mình, vì: quân lực đâu giúp vua thắng trận? Sức mạnh nào cứu được anh hùng? (Thi Thiên 33:16) Cần tôn trọng các bậc lão thành mới có thể nhờ cậy vào sự khôn ngoan và mưu trí của họ. Phải kính trọng người già cả, đầu râu tóc bạc. (Phục Truyền 19:32) Thậm chí khi quở trách người già cũng phải tôn trọng họ: Con đừng nặng lời quở trách người lớn tuổi nhưng lễ phép khuyên giải họ như cha. (I Ti-mô-thê 5:1) Tôn trọng người già cũng có nghĩa là vâng phục họ: Các bạn thanh niên hãy vâng phục quyền lãnh đạo của những bậc phụ lão. (I Phi-e-rơ 5:5a)

Còn người già đừng khinh thường tuổi trẻ.  Khi còn trẻ, vua Đa-vít từng đối đầu với ông Gô-li-át và đã giết được hắn. Khi làm vua, tuổi đã cao, dù cảm thấy mệt mỏi, vua vẫn đích thân ra trận; cùng đi với vua, có những viên tướng trẻ. Nhờ có tướng trẻ tên là A-bi-sai cứu giúp, vua mới thoát khỏi ông Ích-bi-nê-ốp là người thuộc dòng giống khổng lồ (II Sa-mu-ên 21:15-17). Vua già cậy tướng trẻ là như vậy.

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)

ĐĂNG KÝ NHẬN BÀI LỜI CHÚA VÀ CUỘC SỐNG QUA EMAIL

1. Vào trang https://triphx28.wordpress.com/

2. Click vào +Follow ở góc phải màn hình

wordpress-follow

 

3. Điền địa chỉ email bạn sử dụng để nhận bài viết vào khung “Enter email address.” => Bấm sign me up!

14. Đăng nhập vào email của bạn để xác nhận. Bạn sẽ nhận bài qua email khi blog triphx28.wordpress.com đăng bài.

 

 

Ngày 25 tháng 2. NHÂN TỪ VÀ CHÂN THẬT

1

 

20     28 Sự nhân từ và chân thật bảo hộ vua;

                Người lấy lòng nhân từ mà nâng đỡ ngôi nước mình.

 

          28 Chỉ có lòng bác ái, chân thành, độ lượng,

                Mới bảo đảm được ngôi nước quân vương.

                (Bản Hiện Đại)

 

Lãnh đạo bằng gì? Nhờ đâu lãnh đạo được bền vững? Vua Sa-lô-môn dạy các hoàng tử hai điều quan trọng mà người lãnh đạo cần áp dụng trong khi cai trị. Có thể gọi đây là hai đồng minh thân cận giúp cho người lãnh đạo. Đó là sự nhân từ và sự chân thật.

Đức Chúa Trời là Đấng lãnh đạo tối cao khi hiện ra cùng ông Mô-se, người lãnh đạo dân I-sơ-ra-ên, Ngài cũng đề cập đến sự nhân từ và sự chân thật của Ngài: “Gia-vê! Gia-vê! Là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thật, ban ơn đến ngàn đời, xá điều gian ác, tội trọng, và tội lỗi; nhưng chẳng kể kẻ có tội là vô tội, và nhân tội tổ phụ phạt đến con cháu trải ba bốn đời.” (Xuất Ai-cập Ký 34:5-7)

1. Lãnh đạo với lòng nhân từ. Vua Đa-vít là người lãnh đạo với lòng nhân từ. Khi chưa lên ngôi, trong cuộc truy kích quân A-ma-léc, 200 lính dừng lại vì quá mệt mỏi, còn 400 lính vẫn tiếp tục hành quân. Sau khi thu hồi tất cả mọi thứ đã mất từ con người đến của cải, lại chiếm được vô số chiến lợi phẩm, một số người trong nhóm 400 lính không chịu chia chiến lợi phẩm cho 200 lính dừng lại. Nhưng ông Đa-vít ra lệnh phải chia đồng đều mọi thứ cho mọi người, người đi chiến đấu cũng như người ở lại giữ của cải đồ đạc. (I Sa-mu-ên 30)

Ông Áp-ne từng cùng với vua Sau-lơ săn đuổi ông Đa-vít (I Sa-mu-ên 26:7). Sau khi Đa-vít lên ngôi, ông Áp-ne tìm đến muốn qui phục, vua Đa-vít bày tỏ lòng nhân từ, không giết ông, lập ước với ông và cho ông ra về bình an. Ngược lại, ông Giô-áp là vị tướng gây đổ máu trong thời bình cũng như thời chiến (I Vua 2:5), đã sát hại ông Áp-ne. (I Sa-mu-ên 3:17-30)

2. Lãnh đạo bằng sự chân thật. Sự chân thật là đúng theo nguyên tắc của Đức Chúa Trời. Chân thật loại bỏ lừa dối, gian lận, tham nhũng, thoả hiệp. Tổng đốc Phi-lát là người lãnh đạo không có lòng nhân từ, chẳng có công lý, cũng chẳng thiết đến chân lý (Giăng 18:38) Một khi người lãnh đạo không có lòng nhân từ và sự chân thật thì sẽ dùng thủ đoạn để tỏ ra mình vô tội. Đây là điều ông Phi-lát đã làm (Giăng 19:12-16)

Oaktreevu (Xuân Thu Sách Cơ Đốc)

Ngày 24 tháng 2. NGỌN ĐÈN TRONG NỘI TÂM

2

20      27 Linh tánh loài người vốn một ngọn đèn của Đức Gia-vê,

                Dò thấu các nơi ẩn bí của lòng.

 

          27 Linh tánh con người là ngọn đèn,

                Đức Chúa Trời dùng soi xét tâm can.

                (Bản Hiện Đại)

 

Kinh Thánh dùng ba hình ảnh để chỉ “linh tánh” (được hiểu là lương tâm) của con người. Đó là cánh cửa, cái bàn (Khải Huyền 3:20) và cây đèn (Châm Ngôn 20:27). Ba hình ảnh ngụ ý ba đặc điểm tích cực trong lương tâm của con người: (1)Tiếp nhận, (2)Tương giao và (3)Thấu hiểu. Câu Châm Ngôn này đề cập đến đặc điểm thấu hiểu của lương tâm.

Khi viết: “Linh tánh loài người vốn một ngọn đèn của Đức Gia-vê”, vua Sa-lô-môn nhấn mạnh lương tâm của con người là do Đức Chúa Trời ban cho. Dù con người không kính thờ Ngài, thậm chí không tin Ngài thực hữu thì lương tâm vẫn là ngọn đèn của Đức Chúa Trời đặt trong con người.

-Nhờ “ngọn đèn của Đức Chúa Trời” trong con người mà mỗi người biết chính mình. Vì chẳng ai có thể biết những tư tưởng sâu kín trong lòng người, trừ ra tâm linh của chính người đó. (I Cô-rinh-tô 2:11)

-Nhờ “ngọn đèn của Đức Chúa Trời” trong con người mà mỗi người cảm nhận và thấu hiểu được những nỗi niềm cay đắng hoặc những niềm vui trong lòng của mình. Chỉ lòng mới thấu rõ nỗi cay đắng con tim. Niềm vui tận thâm tâm, ai người chia sẻ được. (Châm Ngôn 14:10)

-Nhờ “ngọn đèn của Đức Chúa Trời” trong con người mà mỗi người nhận được sự cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn hoặc được biện minh về hành động của mình. Lương tâm lên tiếng buộc tội hay biện hộ. (Rô-ma 2:15) Một đám người tay cầm sẵn đá chuẩn bị ném vào một phụ nữ phạm tội ngoại tình. Chúa Giê-xu khơi sáng ngọn đèn của Đức Chúa Trời ở trong họ bằng một câu nói như sau: “Trong anh em, ai không có tội thì hãy ném đá bà này trước đi!” (Giăng 8:7) Lương tâm bừng sáng khiến họ nhận biết mình cũng có tội nên họ lần lượt đi ra từng người một, đi đầu là các vị lớn tuổi. (Giăng 8:9)

Sứ đồ Phao-lô viết: Phúc cho người không bị lương tâm lên án khi làm điều mình biết là phải. (Rô-ma 14:22b) Nhiều người không thèm chú ý đến “ngọn đèn của Đức Chúa Trời”. Đó là các giáo sư giả mạo là những người mà lương tâm trở thành chai đá (I Ti-mô-thê 4:2), là người tin Chúa nhưng sống mất cả lương tri, không còn biết phải quấy, buông mình theo lối sống tội lỗi xấu xa, mê mải không thôi. (Ê-phê-sô 4:19)

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)

Ngày 23 tháng 2. KHÔNG THOẢ HIỆP VỚI KẺ ÁC

3

20     26 Vua khôn ngoan làm tan kẻ ác,

                 Và khiến bánh xe lăn cán chúng nó.

 

         26 Minh quân áp dụng trọng hình,

                Tẩy thanh phường bất chính.

                (Bản Hiện Đại) 

Câu Châm Ngôn này đề cập đến biện pháp của người lãnh đạo khôn ngoan đối với kẻ ác. Vua “làm tan kẻ ác” bằng cách dùng “bánh xe lăn cán” khiến chúng ta nghĩ: “Vua khôn ngoan gì mà tàn ác ghê rợn đến thế!”

Chúng ta nên hiểu cụm từ “bánh xe lăn cán” theo nghĩa bóng chớ không phải theo nghĩa đen như lôi ra pháp trường cho xe cán lên hoặc ghê rợn như tứ mã phanh thây, voi giày, tùng xẻo, lăng trì…

Đức Chúa Trời dùng tiên tri Ê-sai viết về Ngụ ngôn Người nông dân như sau: “Không ai đập lúa chung với kê với miến; tiểu hồi phải đập nhẹ bằng gậy, thìa là phải đập bằng đòn gánh. Bột lúa mì phải xay chứ không đập nát.” (Ê-sai 28:27-28)

Trước hết nông dân phải phân biệt giữa lúa với kê với miến, giữa tiểu hồi với thìa là. Người lãnh đạo khôn ngoan phải biết phân biệt các loại người để có thái độ thích đáng. Vua ngồi xử đoán, mắt tinh vi, phân biệt điều thị phi. (Châm Ngôn 20:8)

Tiếp theo, giống như nông dân, ai ai cũng phân biệt lúa (lúa mì) và lùng (cỏ lùng). (Ma-thi-ơ 13:24-30) Nhưng biện pháp xử lý thuộc về người lãnh đạo: Đối tượng nào cần “đập nhẹ bằng gậy”, đối tượng nào phải “đập bằng đòn gánh” và đối tượng nào cần “xay” chứ không phải “đập nát”. Người lãnh đạo khôn ngoan không dùng biện pháp “đập” đối với kẻ ác nhưng dùng biện pháp cứng rắn nhất, mạnh nhất, tức là “xay”.

Vì không sống đúng với đặc ân Chúa ban cho, ông Sam-sôn bị móc mắt, bị xiềng bằng xích đồng và phải xay cối trong ngục thất. (Quan Xét 16:21) Ngày lại ngày, trong khi kéo cái cần dài của cỗ cối xay nặng nề, chắc chắn ông Sam-sôn thấm thía sự trừng phạt chẳng khác gì hạt lúa mì bị nghiền nát bởi cái cối xay bằng đá. Lẽ ra, người lãnh đạo như ông Sam-sôn không bao giờ nên thoả hiệp với điều ác và kẻ ác như ông từng làm khi còn tự do.

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)

Ngày 22 tháng 2. HOÀN NGUYỆN VỚI LÒNG TÔN KÍNH

2e

20   25 Nói cách hấp tấp rằng: Vật này là vật thánh!

             Và sau khi đã khấn nguyện rồi mới suy xét đến,

             ấy quả một cái bẫy cho người ta.

       25 Khấn nguyện Đức Chúa Trời mà không lượng sức,

             Là điều nguy hiểm cùng cực.

             (Bản Hiện Đại)

Miệng kẻ ngu muội là sự bại hoại của nó. Môi nó vốn một cái bẫy gài linh hồn của nó (Châm Ngôn 18:6) Còn người khôn ngoan, kính sợ Chúa cũng cần cẩn thận giữ môi miệng của mình. Vì người tin Chúa có thể hấp tấp hứa nguyện mà không lượng sức để rồi (1)không hoàn nguyện, (2)hoàn nguyện cách dối trá, (3)trì hoãn hoàn nguyện.

Nhà Truyền đạo khuyên rất chí lý: “Khi vào Đền thờ Đức Chúa Trời, mọi người phải mở rộng tai nhưng đóng chặt miệng. Đừng điên rồ đến độ không biết rằng hứa hẹn với Đức Chúa Trời cách liều lĩnh là có tội. (Truyền Đạo 5:1-2) khi khấn nguyện với Đức Chúa Trời điều gì phải thực hiện ngay, vì Ngài không thích kẻ điên rồ trì hoãn. Thà đừng hứa hơn là hứa rồi không làm. Làm như vậy, ta đắc tội với chính miệng mình. (Truyền Đạo 5:4-5) Có người trẻ tuổi hứa nguyện phục vụ Chúa. Nhưng thay vì phục vụ Chúa ngay họ đợi đến lúc già nua, không còn làm gì được mới hoàn nguyện.

Khi hoàn nguyện một lời khấn hứa, đừng khinh dể Đức Chúa Trời. Chúa hỏi dân I-sơ-ra-ên: “Các ngươi đem dâng thú vật ăn cắp, què quặt, bệnh hoạn thì có nên chấp nhận không?” Đừng lừa dối Đức Chúa Trời. Chúa phán: “Kẻ lừa đảo đáng bị nguyền rủa khi nó đã hứa dâng cừu được chọn trong bầy, lại đem dâng con có tật cho Chúa.” (Ma-la-chi 1:13, 14) Có thật là chúng ta “mau dâng lên Chúa bao điều tốt nhất” không? Chẳng những không “mau dâng” mà còn dâng toàn thứ kém chất lượng, từ tiền lẻ đến tiền rách, toàn nhưng thứ cũ rích, hoặc “lở mồm long móng”.

Cái bẫy nguy hiểm hơn là tự biến những điều gian ác thành của lễ để dâng lên cho Đấng Thánh. Hai con trai ông A-rôn, ông Na-đáp và ông A-bi-hu, mỗi người đều cầm lư hương mình, để lửa vào, bỏ hương lên và dâng một thứ lửa lạ trước mặt Đức Gia-vê; ấy là điều Ngài không phán dặn họ. Một ngọn lửa từ trước mặt Đức Gia-vê loè ra, nuốt tiêu họ và họ chết trước mặt Đức Gia-vê. (Lê-vi Ký 10:1-2)

Sống ăn gian, ăn chặn, ăn cắp thời gian, tiền bạc, tài năng… của người khác, lấy của người làm của mình rồi đem dâng cho Chúa. Đó là lý do Chúa ghét, Chúa khinh các ngày lễ, Chúa chẳng hài lòng, chẳng quan tâm đến của lễ của chúng ta (A-mốt 5:21-22).

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)

GIỚI THIỆU SÁCH: LỜI CHÚA & CUỘC SỐNG (MỖI NGÀY MỘT CHÚT 5)

BiaMNMC-5

Mỗi Ngày Một Chút số 5 & 6 của Xuân Thu đặc biệt chú trọng đến Lời Chúa và Cuộc sống. Đọc Lời Chúa và Cuộc sống, bạn sẽ có cơ hội đọc những câu Kinh Thánh bằng nhiều bản dịch khác nhau thật phong phú. Chỉ cần dành một vài phút để đọc một bài, sau đó bạn sẽ suy gẫm cả một ngày.
Lời Chúa và Cuộc sống là những chủ đề ngắn gọn nhưng có sự thách thức bạn phải thay đổi suy nghĩ, thói quen, thái độ của bạn. Lời Chúa và Cuộc sống, qua văn phong của Xuân Thu bạn sẽ cảm nhận một chút khôi hài, một chút dí dỏm, một cách chơi chữ nhưng luôn luôn dẫn đến sự nghiêm túc. Theo từng nhân vật trong Kinh Thánh, Xuân Thu cho chúng ta thấy những con người sống đời thường, thất bại, thành công… nhưng cũng có bóng dáng của bạn và tôi trong đó. Lời Chúa và Cuộc sống luôn luôn đối diện với nan đề, khó khăn, tiêu cực, nhưng chính Lời Chúa là câu giải đáp tốt nhất cho chúng ta. Cho dù cuộc sống có khi gặp bão tố, nhưng Chúa vẫn là nơi nương dựa cho người nào đặt niềm tin nơi Ngài. Lời Chúa và Cuộc sống như một bạn đồng hành với bạn trong một quãng đường đời đầy màu sắc của thách thức, vui tươi, tang tóc…
Lời Chúa và Cuộc sống có thể len lỏi vào mọi vấn đề của cuộc sống bạn. Lời Chúa và Cuộc sống còn giúp bạn nhận biết hướng đi khi lạc lối, đem bạn trở lại với sự an ninh thật trong Chúa, chỉ cho bạn biết những quyết định sai lầm của bạn để quay về. Mong bạn sẽ thoả lòng khi đọc từng chủ đề trong sách Lời Chúa và Cuộc sống.
– Truyền Đạo Nguyễn Đình Tín –

GIỚI THIỆU SÁCH: MỖI NGÀY VỚI CHÚA

Ảnh

Bạn đã bao giờ nghe thắc mắc hoặc chính bạn cũng tự hỏi:
 
– Vì sao kẻ ác lại được thịnh vượng?
– Đức Chúa Trời có biết mọi sự không?
– Đức Chúa Trời làm gì trong thế giới của chúng ta?
– Đức Chúa Trời có biết những điều xảy đến cho bạn không?
– Khi nào Chúa Giê-xu sẽ trở lại thế gian?
– Bạn phải làm gì để sửa soạn cho sự tái lâm của Chúa Giê-xu?
– Ân điển của Đức Chúa Trời là gì?
Bạn sẽ tìm thấy lời giải đáp khi đọc Mỗi Ngày Với Chúa!