Ngày 31 tháng 10. ĐIỀU KIỆN ĐỂ LÃNH ĐẠO LÂU DÀI

Ảnh

      29 14 Vua nào theo sự chân thật mà xét đoán kẻ nghèo khổ,

                Ngôi người sẽ được vững bền đời đời.  

           14 Vua nào xử công minh cho người nghèo nàn,

                Sẽ được tồn tại với năm tháng.

                (Bản Hiện Đại)

Đức Chúa Trời đặc biệt quan tâm đến điều gì nơi một vị vua, một người lãnh đạo? Ngài quan tâm đến cách họ đối đãi với người nghèo khổ. 

Vua theo sự chân thật mà xét đoán kẻ nghèo khổ là người lãnh đạo nhận biết trách nhiệm của mình. Nếu Đức Chúa Trời, Đấng lãnh đạo tối cao trong nơi ngự thánh, Ngài là Cha trẻ mồ côi, là Thẩm phán bênh vực người quả phụ (Thi Thiên 68:5) thì người lãnh đạo mà Chúa lập lên phải thực thi công lý: hãy xử công minh cho những người cô thế, trẻ mồ côi. Bảo vệ quyền lợi người bị áp bức, tuyệt vọng. (Thi Thiên 82:3)

Vua theo sự chân thật mà xét đoán kẻ nghèo khổ là người lãnh đạo nhận biết điều răn luật lệ của Đức Chúa Trời: Không được thiên vị người nghèo (Xuất 23:3) Chúa phán với những người lãnh đạo: “Hãy thi hành sự công chính, xét xử cách công bằng, giải thoát người bị áp bức khỏi tay bọn cường hào ác bá! Hãy bỏ việc gian ác! Hãy bảo vệ quyền lợi của các kiều dân, các cô nhi, quả phụ! Đừng giết người vô tội!” (Giê-rê-mi 22:3)

Vua theo sự chân thật mà xét đoán kẻ nghèo khổ là người kính sợ Đức Chúa Trời và thương yêu dân của mình. Người lãnh đạo nhận biết sự yếu đuối của mình. Vua, người lãnh đạo cũng chỉ là con người, có thể thiên vị, chính vì thế mà cần Đức Chúa Trời hướng dẫn và giúp đỡ. Vua Sa-lô-môn cầu nguyện: Lạy Đức Chúa Trời, xin giúp vua xét xử nhân dân, và hoàng tử đi theo đường công chính. Cho vua xét dân cách công bằng, liêm chính đối với người cùng khổ. (Thi Thiên 72:1, 2)

Vua theo sự chân thật mà xét đoán kẻ nghèo khổ là người tin lời Kinh Thánh. Đức công minh củng cố ngai vàng (Châm Ngôn 16:12b) Chỉ có lòng bác ái, chân thành, độ lượng mới bảo đảm được ngôi nước quân vương. (Châm Ngôn 20:28) Sau khi giải nghĩa chiêm bao cho vua Nê-bu-cát-nết-sa, tiên tri Đa-ni-ên khuyên vua: “Xin vua xét xử cho công bằng, thi hành sự công chính và tỏ lòng thương xót người nghèo khổ để đoái công chuộc tội, may ra thời vận của vua còn có thể kéo dài thêm một thời gian nữa.” (Đa-ni-ên 4:27)

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Ngày 30 tháng 10. DÙ ĐỐI KHÁNG NHAU VẪN CÓ ĐẶC ĐIỂM CHUNG

 

Ảnh

      29 13 Kẻ nghèo khổ và người hà hiếp đều gặp nhau;

                Đức Gia-vê làm sáng mắt cho cả hai.

          13 Người nghèo, kẻ giàu đều giống nhau ở điểm này:

               Nhờ Đức Chúa Trời có ánh sáng để thấy.

               (Bản Hiện Đại)

Câu Châm Ngôn giới thiệu hai nhóm người: kẻ nghèo khổngười hà hiếp với đặc điểm của họ và vai trò của Đức Chúa Trời trong đời sống của họ.  

Đặt kẻ nghèo khổ bên cạnh người hà hiếp, câu Châm Ngôn muốn giới thiệu kẻ nghèo khổ là người sống với chủ trương danh thơm tiếng tốt hơn giàu có (Châm Ngôn 22:1a), cho nên thà nghèo mà sống đời thanh bạch (Châm Ngôn 19:1a). Đặc biệt câu Châm Ngôn vạch ra nguyên nhân khiến người ta nghèo khổ. Đó là vì có kẻ làm giàu bằng cách bóc lột họ (Châm Ngôn 22:16). Người hà hiếp là người không tuân theo lời dạy: Đừng bóc lột kẻ nghèo vì nó túng quẩn, cũng đừng áp bức người khôn khổ ở chốn công môn. (Châm Ngôn 22:22)    

Mặc dù hai giai cấp đối kháng nhau với phẩm chất trái ngược nhau nhưng sức mạnh Chúa Toàn Năng, khôn ngoan Chúa vô hạn. Chúa nắm gọn trong tay kẻ gạt lẫn người bị lừa. (Gióp 12:16), hai giai cấp đều ở dưới quyền của Đức Chúa Trời và được ban cho nhiều điều giống nhau. 

Cả hai đều là tạo vật sống ở địa cầu do Đức Chúa Trời tạo dựng và gặp nhau trong sự ban cho của Ngài. Sáng mắt, tỏ tai, ấy là Chúa cho cả hai (Châm Ngôn 20:12), Chúa yêu thương và ban sự sáng và sự sống cho cả hai. Ngài ban nắng cho người ác lẫn người thiện, ban mưa cho người công chính lẫn kẻ bất công. (Ma-thi-ơ 5:45b) Cả hai đều cần đến Chúa và lệ thuộc Ngài.  

Cả hai đều là tội nhân và đều cần Chúa Cứu Thế là Ánh Sáng của nhân loại để mọi người tin nhận. (Giăng 1:4) Không phải chỉ có người nghèo khổ cần tiếp nhận Chúa Cứu Thế, người hà hiếp dân chúng như ông Xa-chê vẫn có cơ hội tiếp rước Chúa và tin nhận Ngài. Người bị áp bức cần ánh sáng Phúc Âm, người áp bức cũng cần như vậy. Cả hai đều cần tình yêu thương và quyền năng của Đức Chúa Trời để nhận biết và trở về với Ngài.

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

 

 

Ngày 29 tháng 10. TẦM ẢNH HƯỞNG CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO

Ảnh

      29 12 Nếu vua lắng tai nghe lời giả dối,

                Thì các tôi tớ người trở nên gian ác.

           12 Nếu vua nghe lời siểm nịnh, dối gạt,

                Bầy tôi người chỉ là phường gian ác.

                (Bản Hiện Đại) 

Bộ máy lãnh đạo của quốc gia, của hội thánh, hoặc cộng đồng thất bại và thối nát là do đâu? Do “vua” hay do “các tôi tớ”? Do người lãnh đạo hay do người dưới quyền? Câu Châm Ngôn này đề cập đến “vua” và “các tôi tớ”, đồng thời nhấn mạnh tầm ảnh hưởng  lớn lao của “vua”. 

Ở vị trí lãnh đạo, ảnh hưởng của vua đối với các tôi tớ rất quan trọng. Đây là ảnh hưởng của cấp trên đối với cấp dưới. Người lãnh đạo ngay thẳng muốn thực thi công lý sẽ thích nghe sự thật và tôn trọng người trung thực (Châm Ngôn 16:12). Người lãnh đạo quan tâm đến công chính, trung thực sẽ  tác động tốt trên những người dưới quyền.    

Ngược lại nếu người lãnh đạo thích được tâng bốc, thích nghe những lời êm tai thì cấp dưới sẽ xử sự đúng theo ý người lãnh đạo muốn. Vua A-háp và vua Giô-sa-phát liên minh để đánh quân Sy-ri. Trước khi ra trận vua A-háp sai người mời 400 tiên tri đến để cầu hỏi ý Chúa. Vì biết vua A-háp thích nghe điều an lành nên sứ giả dặn các tiên tri nói điều vừa ý vua. Do đó bốn trăm tiên tri này hùa nhau tiên đoán điều lành cho hai vua. (I Các Vua 22:2-12)

Người gian ác nghĩ rằng dối trá và nịnh hót sẽ được việc. Một chiến sĩ A-ma-léc tìm đến ông Đa-vít và nói dối là anh ta đã giết vua Sau-lơ lẫn hoàng tử Giô-na-than Anh ta tưởng rằng như vậy là lập công với vị vua tương lai, nào ngờ anh ta bị xử tử ngay lập tức. (II Sa-mu-ên 1:1-16) Đúng như vua Đa-vít thưa với Chúa: “Con sẽ loại trừ lòng hư hoại, và lánh xa lòng gian tà.” (Thi Thiên 101:4)

Khi các tôi tớ trở nên gian ác, vị vua ngay thẳng sẽ áp dụng biện pháp mạnh để ngôi nước không bị suy yếu: Khi trừ diệt phường tham nhũng khỏi chính quyền, ngôi nước nhà vua sẽ vững mạnh, nhờ công lý. (Châm Ngôn 25:5)

Chúa Giê-xu là Vua muôn vua, Chúa muôn chúa. Là tôi tớ của Ngài, chúng ta phải nhớ rằng Chúa yêu chuộng công bằng, ghét gian ác. Tất cả những kẻ xấu xa, giả dối đều không được vào vương quốc của Ngài (Thi Thiên 45:7; Khải Thị 21:7). 

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Ngày 28 tháng 10. NÊN NHƯ NGƯỜI KHÔN

Ảnh

      29 11 Kẻ ngu muội tỏ ra sự nóng giận mình;

                Nhưng người khôn ngoan nguôi lấp nó và cầm giữ nó lại.

           11 Kẻ dại để cơn giận mình bùng nổ,

                Nhưng người khôn chế ngự nó.

                (Bản Hiện Đại)  

Sách Châm Ngôn có nhiều câu bàn về người khôn và người dại. Hai loại người hoàn toàn trái ngược nhau. Người khôn chẳng khoe khoang tri thức, kẻ khờ thường bộc lộ ngu si. (Châm Ngôn 12:23) Người khôn suy tính kỹ càng, người dại hấp tấp tỏ mình ngây ngô. (Châm Ngôn 13:16)

Câu Châm Ngôn này đề cập đến sự khác biệt giữa người khôn với người dại khi cảm thấy tức giận. Người dại trút hết cảm xúc của mình ra, còn người khôn ngoan biết kềm chế cảm xúc của mình. Đúng như câu Châm Ngôn: Kẻ dại để lộ lòng giận dữ, người khôn giữ được bình tĩnh dù bị sỉ nhục. (Châm Ngôn 12:16)

Ông Sam-sôn chẳng những dại dột trong mối liên hệ với phụ nữ, ông còn không cưỡng được những lời gạ gẫm của kỹ nữ Đa-li-la. Ông thổ lộ điều bí mật trong đời sống của mình. (Quan Xét 16)

Châm Ngôn đề cao “người chậm giận”, “người tự chủ”. (Châm Ngôn 16:32) Nhờ đâu người khôn ngoan chế ngự được lòng của mình?  

Đây là người ít lời, bình tĩnh, biết im lặng, biết hãm cầm miệng lưỡi. (Châm Ngôn 17:27-28) Đây là người biết làm gì trước khi nói, biết làm gì khi nóng giận: Có lúc câm nín, lúc lên tiếng (Truyền Đạo 7:3) Nhưng trên hết người khôn ngoan là người có Đức Chúa Trời ở cùng và biết nhờ cậy Ngài. Nếu ông Sa-mu-ên cho vua Sau-lơ biết vì sao ông đến Bết-lê-hem dâng của lễ ở nhà ông I-sai thì thật là dại dột. (I Sa-mu-ên 16:1-3) Khi tự bênh vực, sứ đồ Phao-lô xưng nhận ông thuộc phái Pha-ri-si trước sự hiện diện của phái Pha-ri-si và phái Sa-đu-sê tại toà án. (Công Vụ 23:6-8) Chính Đức Chúa Trời, Đấng Khôn Ngoan chỉ dẫn cho người của Ngài biết phải nói gì.  

Người khôn ngoan xin Chúa canh chừng miệng con, giữ cửa môi con. (Thi Thiên 141:3) Đây là người kính Chúa, lánh tội, khác với kẻ dại mù quáng làm liều. (Châm Ngôn 14:16) Ngoài ra người khôn ngoan biết nhờ cậy năng lực của Chúa để dập tắt tiếng biển gào, sóng thét, dẹp tan cơn rối loạn. (Thi Thiên 65:7)

Sứ đồ Phao-lô khuyên: Phải thận trọng trong mọi việc, đừng giống như người dại dột, nhưng như người khôn ngoan. (Ê-phê-sô 5:15) 

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

 

Ngày 27 tháng 10. BỊ GHÉT NHƯNG VẪN ĐƯỢC QUÝ CHUỘNG

Ảnh

      29 10 Kẻ làm đổ huyết ghét người trọn vẹn;

                Nhưng người ngay thẳng bảo tồn mạng sống người.

           10 Người trọn vẹn bị kẻ khát máu ghen ghét,

                Nhưng được người ngay quý chuộng.

                (Bản Hiện Đại)

Câu Châm Ngôn mô tả sự đối lập giữa kẻ làm đổ huyết: kẻ gian ác với người trọn vẹn, người ngay thẳng: người công chính. Trong khi kẻ gian ác ghen ghét người công chính và tìm đủ mọi cách để triệt hạ và tiêu diệt người công chính, thậm chí sẵn sàng đích thân sát hại, thì ngược lại người ngay thẳng quý chuộng người công chính và tìm cách bảo vệ họ.

Tinh thần ghen ghét, gây bạo lực, giết người của Sa-tan – từ đầu hắn đã là một kẻ sát nhân (Giăng 8:44) – chi phối tấm lòng và hành vi của con người. Từ thuở ban đầu, kẻ gian ác ghét người công chính và tìm cách tiêu diệt đời sống người ngay thẳng. Ông Ca-in giết ông A-bên. Tại sao Ca-in giết em? Vì Ca-in làm điều xấu, còn A-bên làm điều tốt. (I Giăng 3:12)

Kẻ án giận dữ nghiến răng, rình rập đợi chờ, âm mưu hại người công chính. (Thi Thiên 37:12, 32) Thời vua Đa-ri-út, các thượng thư và các tổng trấn bới lông tìm vết để tố cáo ông Đa-ni-ên. Rồi họ dụ vua ban hành một điều luật về tín ngưỡng nhằm buộc tội ông và quăng ông vào hang sư tử. Rốt cuộc, chính những người âm mưu sát hại ông đều bị ném vào hang sư tử. (Đa-ni-ên 6). Trong ngày Sa-bát, sau khi Chúa Giê-xu chữa bệnh cho người liệt tay, những người Pha-ri-si bỏ đi, bàn mưu tính kế để giết Chúa. (Ma-thi-ơ 12:13-14) Chúa Giê-xu nói với các em về phần xác của mình: “Người đời không có lý do để ghét các em, nhưng họ ghét anh vì anh làm chứng rằng việc làm của họ là độc ác.” (Giăng 7:7)

Trong khi kẻ làm đổ huyết hoành hành thì Đức Chúa Trời vẫn dùng những người ngay thẳng bảo tồn sự sống của người công chính. Khi vua Sau-lơ tìm đủ cách giết ông Đa-vít thì chính hoàng tử Giô-na-than ra sức bảo vệ ông. Hoàng hậu Giê-sa-bên tìm cách tiêu diệt các tiên tri của Đức Chúa Trời, nhưng ông Áp-đia, quản lý hoàng gia nuôi giấu 100 tiên tri trong hai hang đá. (I Vua 18:3-4) Một nhóm quan lớn trong triều vua Sê-đê-kia tìm cách giết tiên tri Giê-rê-mi. Nhưng  Đức Chúa Trời dùng thái giám Ê-bết Mê-lết giải cứu ông. (Giê-rê-mi 38:1-13) Thậm chí khi người công chính bị giết như ông Giăng Báp-tít thì vẫn có các môn đệ của ông tìm đến để chôn cất. (Mác 6:16-29) Sứ đồ Giăng nhắc nhở những người công chính: Anh em đừng ngạc nhiên khi người đời thù ghét anh em. (I Giăng 3:13)    

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Ngày 26 tháng 10. NỘI TÂM “BA KHÔNG” NHƯ BIỂN ĐỘNG

Ảnh

      29 9 Nếu người khôn ngoan tranh luận với kẻ ngu muội,

              Dầu người giận hay cười, cũng chẳng an hoà được.

           9 Người khôn chẳng cần tranh luận với kẻ ngu muội,

              Vì nó hoặc nổi giận, hoặc cười ngạo nghễ không thôi.

              (Bản Hiện Đại) 

Câu Châm Ngôn này khuyên người khôn ngoan đừng tranh luận với kẻ ngu muội. Vì có lời khuyên: Đừng dùng lý luận ngớ ngẩn đáp kẻ khờ, kẻo con ngớ ngẩn thua chi nó. (Châm Ngôn 26:4) Đừng trao ngọc châu cho kẻ khờ dại. (Ma-thi-ơ 7:6)

Kẻ ngu muội là kẻ ngu xuẩn tự thị tự mãn (Châm Ngôn 28:26). Họ cũng là người gian ác, coi thường tình yêu thương của Chúa. Chúa khoan nhân với người gian ác nhưng họ chẳng học hỏi sự công chính. Sống giữa đất người ngay, họ vẫn giảo quyệt, gian ngoa, không chịu lưu ý đến uy nghiêm của Đấng Hằng Hữu. (Ê-sai 26:10) Đó là những người “3 KHÔNG ”.

(1)Không tin. Sứ đồ Phao-lô yêu cầu hội thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca cầu nguyện cho ông và nhóm truyền giáo thoát khỏi nanh vuốt của người gian ác, nham hiểm. Họ là những người không hoan nghênh và không tin Đạo của Chúa. (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:1-2)

(2)Không vâng phục Chúa. Điển hình là ông Đa-than và ông A-bi-ram, con Ê-li-áp. Đất đã nứt ra nuốt sống họ lẫn mọi người trong gia đình cùng lều trại và súc vật của họ. (Phục Truyền 11:6)

(3)Không thể thay đổi. Dùng chày giã kẻ dại như giã thóc, ngu si nó cũng không tróc đi đâu. (Châm Ngôn 27:22) 

Câu Châm Ngôn cảnh báo rằng nếu người khôn ngoan tranh luận với người “3 KHÔNG”, thì người này chỉ biết nổi giận hoặc cười nhạo mà thôi. Chính vì thế mà có lời khuyên thà đương đầu với gấu cái mất con, còn hơn gặp người dại nổi khùng. (Châm Ngôn 17:12) Và khi chẳng chịu vâng phục thì dù có người chết sống lại cũng không thuyết phục được. (Lu-ca 16:27-31)

Vì chẳng bao giờ chịu để người khác thuyết phục mình nên kẻ ngu muội chẳng bao giờ sống an hoà với mọi người. Vì vậy có lời khuyên: Nếu muốn được nghe dạy bảo, hãy lánh xa kẻ dại khờ. (Châm Ngôn 14:7) Mặc dù bề ngoài nổi giận hoặc cười ngạo nghễ, nhưng nội tâm của kẻ ngu muội chẳng hề bình an. Nhưng những kẻ ngoan cố khước từ ta sẽ giống như biển động, không bao giờ an tịnh; sóng gió càng dữ dội, càng khuấy động lên những lớp bùn lầy hôi tanh, ô uế. Bọn người ấy chẳng bao giờ được bình an. (Ê-sai 57:20)

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)  

Ngày 25 tháng 10. CHUYÊN CHÂM LỬA HAY CHUYÊN CHỮA LỬA?

Ảnh

     29 8 Kẻ nhạo báng châm lửa cho thành thiêu cháy;

             Nhưng người khôn ngoan làm nguôi cơn giận.

          8 Kẻ kiêu cường khua mép làm cả thành náo động xôn xao,

             Người khôn ngoan làm lắng dịu cơn thạnh nộ cuồng bạo.

             (Bản Hiện Đại)

Hai loại người trong câu Châm Ngôn này có thể là thường dân, cũng có thể là người lãnh đạo. Kẻ nhạo báng chuyên châm lửa, còn người khôn ngoan chuyên chữa lửa. Kẻ nhạo báng gây xung đột, còn người khôn ngoan gieo hoà bình. Kẻ nhạy giận thường gây xung đột, người ôn hoà dàn xếp đôi bên. (Châm Ngôn 15:18)  

Trong khi truy đuổi quân Ma-di-an, ông Ghê-đê-ôn kêu gọi người dân ở Su-cốt và ở Phê-nu-ên cung cấp lương thực cho đội quân 300 người của ông. Giới lãnh đạo của dân Su-cốt và Phê-nu-ên không chịu cung cấp lương thực mà còn nhạo báng: “Ông đã bắt được Xê-bách và Xanh-mu-na (hai vua Ma-đi-an) đâu mà bảo chúng tôi đem bánh cho quân của ông ăn?” Vì nhạo báng như vậy nên hậu quả là giới lãnh đạo Su-cốt bị đánh đòn bằng roi gai, tháp Phê-nu-ên bị phá huỷ còn những người nam trong thành bị tiêu diệt. (Quan Xét 8:4-19)

Cư dân I-sơ-ra-ên trong thành Gia-be khẩn khoản xin ký kết hoà ước với Na-hách, vua Am-môn. Vua Na-hách trả lời: “Được, nhưng với điều kiện: ta móc mắt bên phải của các ngươi để sỉ nhục toàn dân I-sơ-ra-ên.” Vì ăn nói kiêu căng và nhạo báng như vậy nên đội quân của Am-môn bị quân I-sơ-ra-ên đánh cho tơi tả đến nỗi mỗi người một ngả. (I Sa-mu-ên 11)

Vua Ha-nun, người kế vị vua Na-hách không rút kinh nghiệm từ bài học của tiên vương. Vua cạo nửa bộ râu, cắt áo dài ngắn đến mông của phái đoàn sứ giả do vua Đa-vít sai phái rồi đuổi về nước. Hành động nhạo báng đó đã bị vua Đa-vít trừng phạt đến nỗi sau cuộc chiến người dân Am-môn phải phục dịch vua Đa-vít. (I Sử Ký 19)

Người phụ nữ khôn ngoan ở thành A-bên Bết-ma-ca ăn nói khôn ngoan và ôn hoà nên thuyết phục được ông Giô-áp ngưng công phá thành, cũng thuyết phục dân trong thành giao nạp kẻ phản loạn. (II Sa-mu-ên 20:15-22).

Thợ bạc Đê-mê-triu kích động và gây nên cuộc biểu tình lớn nhằm chống lại việc truyền giảng Phúc Âm tại thành Ê-phê-sô. Nhưng thư ký hội đồng thành phố đã dùng lời lẽ khôn ngoan để giải tán đám biểu tình, tránh được sự rối loạn. (Công Vụ 19:21-41)

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)

Ngày 24 tháng 10. SAO VÔ TÂM VÔ CẢM ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHÈO?

Ảnh

      29 7 Người công chính xét cho biết duyên cớ của kẻ nghèo khổ; 

              Còn kẻ ác không có trí hiểu để biết đến.   

           7 Người ngay trọng quyền lợi của người nghèo khó,

              Còn kẻ ác chẳng biết đến quyền lợi đó.

              (Bản Hiện Đại) 

Câu Châm Ngôn đề cập đến hai loại người lãnh đạo (hoặc thường dân) công chính và gian ác đối với người nghèo khổ trong xã hội. Một trong những nguyên tắc sống của con người là quan tâm đến người nghèo khổ. Người giàu có trong ẩn dụ Chúa Giê-xu kể không có nguyên tắc sống này vì ông ta chẳng quan tâm đến ông La-xa-rơ nghèo đói bệnh tật ở ngay trước nhà của mình. (Lu-ca 16:19-21) Người giàu quên rằng ai thương người nghèo, tức là cho Đức Chúa Trời vay mượn, và được Ngài ban thưởng chẳng sai. (Châm Ngôn 19:17)

Nguyên tắc sống của người công chính là quan tâm đến tình trạng và nhu cầu của người nghèo khổ. Đây là người kính sợ Đức Chúa Trời và vâng giữ lời dạy: Đừng bóc lột kẻ nghèo vì nó túng quẩn. Cũng đừng áp bức người khốn khổ chốn công môn. (Châm Ngôn 22:22) 

Cụm từ “xét cho biết duyên cớ” bao hàm sự quan tâm, sự cảm thông, sự công tâm và tình yêu thương của người lãnh đạo công chính đối với người thấp cổ bé miệng. Ông Gióp là người xử đoán rất công minh, giải cứu người nghèo đang kêu cứu và bảo vệ các trẻ mồ côi. Ông nói: “Tôi chỉ làm những việc công chính, và phân xử cách công minh. Tôi là mắt của người đui, chân cho người què, cha của người nghèo khó, và thẩm phán công bằng cho người kiều ngụ.” (Gióp 29:12-16)

Thi Thiên 82 ghi lại lời truyền dạy của Đức Chúa Trời dành cho giới lãnh đạo: “Các ngươi phân xử bất công đến bao giờ? Và thiên vị người gian ác mãi mãi sao? Hãy xử công minh cho những người cô thế, trẻ mồ côi. Bảo vệ quyền lợi người bị áp bức, tuyệt vọng. Giải cứu người nghèo khổ, khốn cùng, ra khỏi tay bọn cường hào ác bá.” Thế nhưng họ chẳng bao giờ hiểu biết. (Thi Thiên 82:2-4) Trong khi người tôn thờ Chúa biết rõ công lý là gì thì kẻ ác chẳng lưu tâm đến công lý. (Châm Ngôn 28:5)

Cụm từ “không có trí hiểu để biết đến” cũng bao hàm sự dại dột, sự vô tâm vô cảm của giới lãnh đạo gian ác đối với người nghèo khổ. 

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Ngày 23 tháng 10. TƯỞNG BẪY NGƯỜI TA HOÁ RA BẪY MÌNH

Ảnh

      29 6 Trong tội lỗi của kẻ ác có một cái bẫy,

              Nhưng người công chính ca hát mừng rỡ.

           6 Người ác bị tội mình sập bẫy,

              Nhưng người ngay ca hát vui mừng. 

              (Bản Hiện Đại) 

Vì sao nhiều người liên tiếp vướng vào những vụ rắc rối trong khi những người khác sống vui vẻ, hạnh phúc? Câu Châm Ngôn đề cập đến tội lỗi là nguyên nhân sâu xa.  Tội lỗi của ai? Của chính mình. Kẻ ác bị lời dối trá mình sập bẫy. Người thiện nhờ ngay thật mà được thoát nguy. (Châm Ngôn 12:13a)

Khi phạm tội nhiều người lầm tưởng rằng họ chỉ gây tổn thương, thiệt hại cho người khác còn họ chẳng bị ảnh hưởng gì. Vế đầu của câu Châm Ngôn cho biết trong tội lỗi có một cái bẫy. Đặc biệt là tội quyến rũ người khác. Kẻ ác bị lời dối trá mình sập bẫy, đôi môi thành cạm bẫy linh hồn (Châm Ngôn 12:13; 18:7b)

Kẻ ác bị mắc bẫy trong chính lưới tội của mình. Kẻ ác sẽ bị chính việc ác của mình sập bẫy, tội lỗi của mình trói buộc. (Châm Ngôn 5:22) Người mang ách chung với kẻ chẳng tin, quan hệ với dâm phụ, thoả hiệp với kẻ ác,… Đó là những cái bẫy. Khi đã sập bẫy tội lỗi sẽ bị tội lỗi trói buộc, đời sống bị tội lỗi sai khiến, hành hạ và huỷ hoại. 

Đặc điểm của người không kính sợ Chúa, phạm tội và bị tội lỗi trói buộc là chỉ lo tâng bốc bản thân, không nhận tội, không lìa bỏ tội. (Thi Thiên 36:2) Chính vì tội lỗi vây hãm và kềm toả mà đường kẻ ác ngập tràn bóng tối, vấp ngã cũng chẳng biết vì đâu! (Châm Ngôn 4:19)

Vế tiếp theo câu Châm Ngôn đề cập đến người công chính với sự vui mừng. Chẳng phải họ tự làm cho mình công chính, nhưng đến với Đấng Công Chính, ăn năn, thú nhận tội lỗi, từ bỏ tội lỗi và sống kính sợ Đức Chúa Trời.

Người kính sợ Đức Chúa Trời luôn luôn hưởng hạnh phúc,

Kẻ rắn lòng, bất chính thường bị tai hoạ.

(Châm Ngôn 28:14)

Vua Đa-vít viết: “Các con, hãy đến nghe ta, ta sẽ dạy các con sự kính sợ Chúa Hằng Hữu. Ai là người yêu thích cuộc đời, muốn sống lâu dài, tốt đẹp? Phải giữ miệng lưỡi mình, đừng nói lời độc hại, dối gian. Phải tìm điều lành, xa điều ác, sống an vui, hoà giải mọi người.” (Thi Thiên 34:11-14) Người kính sợ Chúa được hưởng kết quả công lao của mình, được hạnh phúc, an lành. (Thi Thiên 128:1-2)

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Ngày 22 tháng 10. CHẲNG DUA NỊNH CŨNG CHẲNG MUỐN ĐƯỢC DUA NỊNH

Ảnh

      29 5 Người nào dua nịnh kẻ lân cận mình,

              Giăng lưới trước bước người.

           5 Ai nịnh bợ hàng xóm láng giềng

              Là giăng lưới dưới chân người. 

              (Bản Hiện Đại)

Người dua nịnh gây hại cho mình vì Đức Chúa Trời sẽ hớt môi người nịnh hót, và cắt lưỡi kẻ khoác lác kiêu căng. (Thi Thiên 12:3)

Người dua nịnh gây hại cho người khác. Dâm phụ, người phụ nữ ngoại tình với lời quyến rũ, với lưỡi dụ dỗ, với lời đường mật, với miệng môi dua nịnh (Châm Ngôn 2:16; 6:24; 7:21) làm cho nhiều người xiêu lòng, bỏ lời dạy lúc thiếu thời, quên giao ước với Đức Chúa Trời (Châm Ngôn 2:17), khờ khạo đến nỗi không nhận ra đó là cạm bẫy bắt linh hồn mình.

Người dua nịnh thuộc về hàng ngũ của bọn quỷ quyệt, phường đạo đức giả. Đó là những người chuyên nói dối, nói nịnh người nó chẳng thương. Đó là những người nói nhân nghĩa đủ điều nhưng toàn khẩu phật tâm xà chuyên gài bẫy, lăn đá hại người. (Châm Ngôn 26:24-28)

Ngay cả những người rao truyền lời Chúa, công bố Phúc Âm vẫn có thể lừa dối người nghe bằng lời dua nịnh. Sứ đồ Phao-lô tâm sự: “Chúng tôi công bố Phúc Âm, không phải để thoả mãn thị hiếu quần chúng, nhưng để làm hài lòng Đức Chúa Trời, Đấng dò xét lòng người. Anh em đã biết, chúng tôi chẳng bao giờ tâng bốc, cũng không dùng lời đường mật để che đậy lòng tham, Đức Chúa Trời chứng giám cho lòng chúng tôi.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:4-5)

Người khôn ngoan sẽ thận trọng dè dặt từng đường đi nước bước (Châm Ngôn 14:15) không nghe theo lời dua nịnh. Vua sẽ nịnh hót những kẻ bội giao ước Chúa và kéo họ về phe mình. Người khôn ngoan cũng không để cho một số người vô đạo sẽ đến giả bộ ủng hộ bợ đỡ nhưng chỉ lợi dụng mà thôi. (Đani-ên 11:32, 34) 

Người khôn ngoan cũng phải kiên định, giữ mình để có thể nói như ông Ê-li-pha: “Tôi xin nói không vị nể, không bợ đỡ, nịnh hót một ai. Vì tôi không bao giờ biết nịnh bợ. Nếu có, hẳn tôi sẽ bị Đấng Tạo Hoá kết liễu cuộc dời. (Gióp 32:21-22)

Thời Chúa Giê-xu, các thầy thông giáo và người Pha-ri-si là những người thích được nịnh hót. Tất cả mọi việc họ làm chỉ nhằm cho người ta trông thấy. Họ thích ăn trên ngồi trốc, thích được chào hỏi và thích được người ta gọi là “ra-bi”. Chúa Giê-xu dạy chúng a đừng bắt chước họ. (Ma-thi-ơ 23:5-12)  

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)