GIỚI THIỆU SÁCH: CHUYỆN CỦA EM

ChuyencuaEm
Chuyện Của Em là loạt bài học về những chuyện trong Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước kèm với những điều khoản trong Công Ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền Trẻ Em.Loạt bài này giúp người lớn và trẻ em biết những chuyện ghi trong Kinh Thánh về tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Ngài quan tâm đến trẻ em từ khi chưa chào đời nên Ngài chuẩn bị một thế giới tươi đẹp nhằm bảo vệ sự sống còn của trẻ em.Trong thân xác con người, Đức Chúa Giê-xu là mẫu mực về sự phát triển toàn diện của trẻ em. Ngài coi trọng trẻ em, lắng nghe trẻ em và dùng trẻ em nêu gương cho người lớn. Đức Chúa Giê-xu lên án những người làm cho trẻ em mất niềm tin nơi Chúa đến nỗi trở thành người xấu trong xã hội. Ngài muốn trẻ em được tự do đến với Ngài để bày tỏ niềm tin và ý kiến của chúng. Ngài không tán thành việc ngăn cản trẻ em đến với Ngài.

Loạt bài học này cũng giúp người lớn và trẻ em biết Công Ước về Quyền Trẻ Em. Người lớn (giáo viên, cha mẹ, người thân trong gia đình) cần biết Công Ước về Quyền Trẻ Em để làm tròn trách nhiệm của mình đối với trẻ em. Niềm tin của người Cơ Đốc phải được thể hiện bằng những hành động phù hợp với Kinh Thánh. Khi người lớn không giúp trẻ em phát triển quân bình (thí dụ bỏ đói, đánh đập, bắt nghỉ học để đi làm, không cho sinh hoạt vui chơi…) là không làm theo lời Kinh Thánh mà còn vi phạm quyền trẻ em. Trẻ em cần biết rằng chúng có quyền được chăm sóc và được giúp đỡ đặc biệt. Ngày nay, xã hội đang đối diện với những tệ nạn mà trẻ em là nạn nhân. Trước tình trạng trẻ em bị ngược đãi, bị xâm hại tình dục, bị đối xử tàn nhẫn, bị bóc lột sức lao động, bị buôn bán như một loại hàng hoá… phụ huynh cũng như giáo viên rất cần biết về quyền trẻ em để bảo vệ các em và hướng dẫn các em cách tự bảo vệ.

Loạt bài học này giúp người lớn và trẻ em hướng về Đức Chúa Trời, hướng về gia đình và hướng về cộng đồng. Trong từng vai trò, từng độ tuổi, người lớn (cha mẹ, giáo viên,…) cảm nhận tình yêu thương của Chúa, tình yêu thương trong gia đình và sự hiệp nhất của hội thánh, đồng thời cảm thông và chia sẻ cách cụ thể với hoàn cảnh khó khăn của trẻ em nghèo đói, trẻ em bệnh tật, trẻ em mồ côi, trẻ em đường phố… Để việc giáo dục trẻ em có kết quả tốt, trước hết người lớn (giáo viên, phụ huynh, thanh niên…):
– Cần có Chuyện Của Em.
– Cần nghiên cứu Phần 1: Dành Cho Giáo Viên & Phụ Huynh.
(1) Đọc Kinh Thánh của từng bài học.
(2) Đọc phần Suy Ngẫm.
(3) Chuẩn bị ý kiến cho câu hỏi thảo luận.
(4) Tìm hiểu Công Ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em.
– Cần đọc qua phần 2: Bài Dạy Thiếu Nhi – để biết nội dung giáo viên cũng như phụ huynh sẽ truyền đạt cho trẻ.
– Cần một buổi họp (hội thảo) để có sự đồng thuận giữa giáo viên và phụ huynh trong việc dạy trẻ.

Giáo viên và phụ huynh cần dạy học viên thể hiện quyền trẻ em qua việc mạnh dạn nêu ý kiến, dám nói ra suy nghĩ của mình, không mặc cảm vì còn nhỏ tuổi, đồng thời tập tôn trọng ý kiến của người khác.

Có thể dùng bảy bài học này cho lớp Kinh Thánh, lớp Trường Chúa Nhật, Hội Thánh Thiếu Nhi. Không nhất thiết phải hoàn tất một bài học trong một tiết học hoặc buổi học. Cũng có thể nhắc lại nhiều lần nội dung bài học kèm theo những hoạt động khác.

Thí dụ trong hai tiết học hoặc buổi học:
– Tiết học hoặc buổi học 1: Hoạt động tìm hiểu Kinh Thánh và hoạt động tạo hình.
– Tiết học hoặc buổi học 2: Hoạt động tìm hiểu Kinh Thánh (nhắc lại) và hoạt động vui chơi.

Nếu thực hiện cho giờ nhóm của Hội Thánh Thiếu Nhi, cần:
– Tham khảo phần Suy Ngẫm để soạn bài chia sẻ ngắn (5-10 phút).
– Soạn câu hỏi theo từng độ tuổi dưới các hình thức: thảo luận, đố, trò chơi…

– Xuân Thu –

Ngày 21 tháng 2. DO ĐỨC CHÚA TRỜI

2i

20    24 Các bước của loài người do nơi Đức Chúa Trời nhất định;

               Vậy, loài người hiểu đường lối mình sao được?

 

          24 Đức Chúa Trời dẫn đưa từng bước một,

                Là người trần, ai hiểu được đường mình.

                (Bản Hiện Đại)

“Các bước của loài người”, “đường lối” của con người bao gồm suy nghĩ, dự định, kế hoạch, chương trình, trình tự mà họ sẽ tiến hành. Họ nghĩ rằng: “Đường ta, ta cứ đi! Nhà ta, ta cứ xây! Việc ta, ta cứ làm!” Kinh Thánh cho biết nói như vậy là tự phụ về chương trình mình hoạch định. Tự phụ như thế không bao giờ đẹp lòng Chúa. (Gia-cơ 4:16) Người có kế hoạch phải nói: “Nếu Chúa muốn, chúng ta vẫn còn sống và sẽ làm việc này việc kia.” (Gia-cơ 4:15)

Con người nghĩ rằng họ định đoạt đường đi nước bước, còn Đức Chúa Trời chỉ giữ vai trò phê duyệt, chứng kiến và ban phúc mà thôi. Câu Châm Ngôn này nhấn mạnh vai trò quan trọng của Đức Chúa Trời trong cuộc đời của mỗi người. “Các bước của loài người” không do nơi họ mà do nơi Đức Chúa Trời.

Tiên tri của Đức Chúa Trời báo trước cho vua A-háp về điều Ngài đã định đoạt: Vua đi Ra-mốt Ga-la-át nhằm tái chiếm vùng đó nhưng vua sẽ tử trận (I Vua 22:19-23). Vì vậy, vua A-háp áp dụng một kế hoạch nhằm chống lại sự định đoạt của Chúa. Vua cải trang làm một người lính, và tin rằng mưu kế của vua sẽ thắng ý Chúa. Nhưng Kinh Thánh chép: Có một lính tình cờ giương cung bắn, mũi tên trúng ngay đường nối của áo giáp vua A-háp đang mặc. (I Vua 22:34) Đối với con người, việc này chỉ là “tình cờ”, và hiếm khi mũi tên trúng ngay đường nối của áo giáp. Nhưng thật ra, Chúa cầm quyền định đoạt. (Châm Ngôn 16:33)

Người tin Đức Chúa Trời nhìn nhận rằng:

Con người dùng trí vạch đường đi,

Nhưng Chúa dìu dắt từng li từng tí.

 (Châm Ngôn 16:9)

Bạn cần thưa với Chúa rằng: Thưa Chúa Hằng Hữu, con biết con người không thể nào tự ý vạch đường đi cho cuộc đời mình, cũng không sao nắm vững tương lai mình. (Giê-rê-mi 10:23) Rồi bạn nên xin Chúa dẫn dắt cuộc đời của bạn từng bước một.

Đức Chúa Trời giữ vai trò nào trong kế hoạch của bạn? Kế hoạch của bạn, cuộc sống của bạn có tuỳ thuộc vào quyền quyết định của Chúa không?

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)

Ngày 20 tháng 2. GIAN LẬN GIÀ NON

Ảnh

 

20 23 Trái cân hai thứ lấy làm gớm ghiếc cho Đức Gia-vê; 

           Và cây cân giả nào phải vật tốt lành.

     23 Trái cân non, chiếc cân giả,

           Đều bị Chúa ghét cả.

           (Bản Hiện Đại)

Luật pháp của Đức Chúa Trời qui định rất rõ ràng về việc mua bán: Trong việc cân lường, phải ngay thật. Không được dùng hai thứ trái cân (một trái già, một trái non), hoặc hai đơn vị đo lường (một già, một non). Phải dùng đơn vị đo lường chính xác… Ai gian lận, sẽ bị Chúa ghê tởm. (Phục Truyền 25:13-16) Ngay thật và chính xác, không gian lận, không dùng hai thứ cân, không dùng hai đơn vị đo lường.

Sách Châm Ngôn cũng nhắc lại việc phải minh bạch khi cân đong đo đếm, và đặc biệt nhấn mạnh thái độ của Đức Chúa Trời rằng: Chúa Hằng Hữu ghê tởm chiếc cân gian, nhưng quả cân đúng làm Chúa hài lòng. (Châm Ngôn 11:1) Người dùng cân lường gian trá, bị Chúa Hằng Hữu khinh miệt. (Châm Ngôn 20:10) Đức Chúa Trời ghê tởm (ghét, khinh miệt) cả vật dụng gian trá (cái cân giả và trái cân hai thứ) lẫn người gian lận. Ngài ghê tởm tất cả.

Đức Chúa Trời dùng các tiên tri để vạch mặt người I-sơ-ra-ên giàu lên nhờ buôn bán dối trá. Họ là người buôn bán cầm những cân dối trá trong tay mình; nó ưa gian lận. (Ô-sê 12:8) … các ngươi làm giàu bằng cách đo lường gian lận, cân lường giả dối,… (A-mốt 8:5b) Vì tội ác ngươi quá nặng; ngươi gian lận đủ cách để làm giàu. Nhà của kẻ ác đầy của cải bất chính và những cây cân gian lận. Làm sao ta có thể dung tha những tên gian thương chuyên dùng cây cân gian lận với những quả cân non? (Mi-chê 6:10-11)

Trong lãnh vực thuộc linh cũng vậy. Nhiều người dùng “cân giả” để cân chính mình. Nhằm tỏ ra mình có giá trị hơn, thuộc linh hơn, tốt lành hơn người khác, họ dùng “trái cân non” khi “cân” chính mình, còn “cân” người khác thì dùng “trái cân già”. Họ “gian lận” để thay đổi sự thật “kém thiếu” của mình. Nếu biết đặt mình lên “cân thật” thì sẽ thấy thiếu. Vua Bên-sát-sa bị Đức Chúa Trời “tê-ken” (Đa-ni-ên 5:25-26), tức là bị đem cân và thấy là thiếu.

Người Pha-ri-si (Lu-ca 18:9-14), tín hữu trong Hội thánh tại Lao-đi-xê (Khải Huyền 3:14-20) đã dùng “trái cân non” để “cân” đời thuộc linh của họ. Vì dùng “trái cân gian” nên họ không biết họ vẫn là tội nhân, hâm hẩm, chẳng có giá trị gì trước mặt Đức Chúa Trời. Thật đáng ghê tởm.  

Oaktreevu (Xuân Thu Sách Cơ Đốc) 

Ngày 19 tháng 2 NHẪN NHỤC CHỜ CHÚA HÀNH ĐỘNG

Ảnh

 

20 22 Chớ nói: Ta sẽ trả ác.

          Hãy chờ đợi Đức Gia-vê,  Ngài sẽ cứu rỗi con.

     22 Đừng nói vội: Thù tôi tôi trả,

          Nhưng hãy chờ Chúa giải cứu cho.

          (Bản Hiện Đại) 

Luật pháp của Đức Chúa Trời truyền qua ông Mô-se thời Cựu Ước dạy rằng: “Mắt đền mắt, răng đền răng” Vì vậy, nhiều người lầm tưởng tác giả câu Châm Ngôn này chủ trương tiến bộ hơn. Câu này cũng không có ý dạy về vấn đề yêu thương kẻ thù và đừng trả thù như Chúa Giê-xu dạy trong thời Tân Ước (Ma-thi-ơ 5:38-48).

Người nói vội: “Thù tôi tôi trả” là người nóng nảy, phản ứng hấp tấp theo cảm tính, chẳng những không kềm giữ cơn giận mà cũng không vận dụng trí óc để cân nhắc đúng hoặc sai, nên hoặc không nên. Họ không chế ngự được “tâm”, không sử dụng “trí”, chỉ giỏi vung “tay”.

Người nói vội: “Thù tôi tôi trả” không sống theo luật pháp mà cũng chẳng sống theo tình yêu thương. Họ chỉ sống theo ý của mình. “Cái tôi” trong họ rất lớn. Sứ đồ Phao-lô nhắc lại quá khứ của chúng ta như sau: Trước kia, chúng ta vốn ngu muội, ngang ngược, bị lừa gạt, chiều theo dục vọng, chơi bời, sống độc ác, ganh tỵ, khả ố và thù ghét lẫn nhau (Tít 3:3) Con người cũ chỉ muốn trả thù chớ không bao giờ chịu tha thứ.

Người nói vội: “Thù tôi tôi trả” sống theo bản ngã và bạo lực. Kinh Thánh mô tả cách trả thù của con người rất đa dạng: Họng họ hôi hám thô tục, như cửa mộ bốc mùi hôi thối. Lưỡi họ chuyên lừa dối, môi chứa nọc rắn hổ. Miệng phun lời nguyền rủa cay độc. Họ nhanh chân đi giết người. Đến đâu cũng để lại vết điêu tàn, khốn khổ. (Rô-ma 3:13-16)

Chẳng những khuyên người khôn ngoan đừng sống theo cảm xúc nóng giận, đừng chiều theo đòi hỏi của bản ngã và đừng hành xử bạo lực, câu Châm Ngôn còn khuyên: (1)Hãy tin Đức Chúa Trời. Trong các mối liên hệ, chẳng phải chỉ có người với người mà còn có Đức Chúa Trời. Nhiều người chỉ tin Chúa trong ngày Chúa Nhật còn loại bỏ Chúa trong mối liên hệ hằng ngày, tự giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong tuần. (2)Hãy chờ đợi. Người tin cậy Chúa thay vì phản ứng vội vàng sẽ kiên nhẫn chờ đợi, tức là kiên nhẫn chịu đựng mọi bất công. (3)Hãy tin Chúa sẽ giải cứu. Tức là tin vào quyền tể trị của Chúa. Ngài là Đấng giải quyết vấn đề cách hợp lý và công bằng. (I Phi-e-rơ 2:21, 23)   

Oaktreevu (Xuân Thu Sách Cơ Đốc) 

Ngày 18 tháng 2 CHẲNG BỀN LÂU

Ảnh

 

20 21 Sản nghiệp mình được vội vã lúc ban đầu,

          Và cuối cùng sẽ chẳng đặng phước.

    21 Gia tài hưởng hấp tấp,

         Phước hạnh chẳng bền lâu.

         (Bản Hiện Đại)

Câu Châm Ngôn này khiến chúng ta nghĩ ngay đến cậu con trai hoang đàng trong Ẩn dụ Người con đi hoang. Cậu đòi cha chia phần tài sản thuộc về mình, vài ngày sau cậu gom góp tất cả của cải, rồi đi phương xa. Vội vã ra đi sớm chừng nào thì của cải tiền bạc cũng nhanh chóng tiêu tan chừng nấy.

Trong câu Châm Ngôn này sản nghiệp (gia tài) (1)có thể là của phi nghĩa và (2)cũng có thể không phải từ mồ hôi nước mắt của mình mà là thành quả của kẻ ác. Của phi nghĩa thì chẳng ích lợi gì hết (Châm Ngôn 10:2a),

Của phi nghĩa là của phù vân,

Tiền mồ hồi nước mắt mới còn bền lâu.  

(Châm Ngôn 13:11)

Niềm vui chẳng bền lâu đối với người tìm mọi mánh khoé để mau giàu trong lãnh vực vật chất.

Trong lãnh vực tri thức cũng vậy. Nhiều người chọn con đường tắt để có “gia tài tri thức”. Không siêng năng học tập, chẳng chịu khó làm bài, chỉ giỏi gian dối, quay cóp, chạy chọt, xin điểm, mua bằng cấp… Họ quên rằng dù “nghèo” tri thức nhưng nếu siêng năng cày sâu cuốc bẩm thì vẫn thu hoạch nhiều hoa lợi (Châm Ngôn 12:11a). Còn chọn con đường bất lương để trở thành tiến sĩ dỏm, tiến sĩ giấy, sở hữu “gia tài tri thức” của nhân loại đương nhiên mất tất cả khi bị phanh phui.

Ruộng người nghèo có thể sản xuất nhiều hoa lợi,

Nhưng ăn ở bất lương sẽ thành công dã tràng.

(Châm Ngôn 13:23)

Trong lãnh vực thuộc linh cũng vậy. Chẳng có đường tắt cho sự trưởng thành thuộc linh, cũng chẳng có sự đột phá thành “thánh Gióng Cơ Đốc”, cũng không thể dùng tiền bạc để mua “gia tài thuộc linh” (Công Vụ 8:18-21).

Mặc dù các môn đệ được Chúa Giê-xu ban cho uy quyền đuổi tà linh và chữa lành các bệnh tật (Ma-thi-ơ 10:1), họ vẫn tiếp tục đi theo Chúa để được Ngài huấn luyện. Ông Phao-lô, ngay khi tin Chúa đã được Chúa chọn để thực hiện công tác đặc biệt quan trọng, được đầy dẫy Đức Thánh Linh, bản thân ông cũng rất nhiệt thành. Nhưng ông vẫn dành thời gian học nơi Chúa rồi mới thi hành nhiệm vụ.

Oaktreevu 

Ngày 17 tháng 2. BẤT HIẾU LÀ TỰ HẠI

17.02.13

20     20 Ngọn đèn của kẻ rủa cha mẹ mình

                 Sẽ tắt giữa vòng tăm tối mờ mịt.

 

           20 Ngọn đèn của kẻ chửi cha mắng mẹ,

                  Phụt tắt đi giữa đêm tối âm u.

                  (Bản Hiện Đại)

Xã hội thời nay đề cao quyền của con người, đặc biệt là quyền của trẻ em. Liệu câu Châm Ngôn có còn hợp thời không? Phải chăng đây là quan niệm cổ hủ thời xưa, không thể áp dụng cho con người ngày nay? Cần thận trọng! Câu Châm Ngôn này không phải là quan niệm của con người, cũng không phải là lời của cha mẹ rủa sả lại con cái. Đây là lời cảnh báo của Đức Chúa Trời.

Là con mà “chửi cha mắng mẹ” thì chẳng phải người con đó khinh bỉ cha mẹ của mình hay sao? Kinh Thánh ghi rõ: Đáng rủa sả thay người nào khinh bỉ cha mẹ mình! (Phục Truyền 27:16).

Là con mà “chửi cha mắng mẹ” thì rõ ràng người con đó cứng đầu, không vâng lời cha mẹ, không nghe lời răn dạy. Người con ngỗ nghịch bị xếp chung với kẻ ác. Người rủa cha mẹ mình bị lên án là “kẻ ác” đáng bị loại bỏ khỏi gia đình và xã hội (Phục Truyền 21:18-21). Đèn kẻ ác tắt ngấm (Châm Ngôn 13:9b). Điều răn của Đức Chúa Trời về bổn phận con cái đối với cha mẹ được nhắc lại trong Tân Ước: “Phải hiếu kính cha mẹ”, là điều răn đầu tiên có kèm theo lời hứa: “nhờ đó con mới được phúc và sống lâu trên đất.” (Sáng Thế Ký 20:12; Ê-phê-sô 6:2) Sống ngược lại luật của Chúa thì không được hưởng phúc và không được sống lâu trên đất. Con cái rủa sả cha mẹ là phạm tội tử hình. Kẻ nào mắng cha mẹ mình, sẽ bị xử tử. (Xuất Ai-cập Ký 21:17)

Là con mà “chửi cha mắng mẹ” thì rõ ràng người con đó dù tin Chúa nhưng nếp sống lại giống như con người trong thời kỳ cuối cùng. Đó là những người vị kỷ, tham tiền, khoe khoang, hợm hĩnh, phỉ báng, nghịch cha mẹ, phụ bạc, vô đạo, không tình nghĩa… (II Ti-mô-thê 3:1-2)

Là con, bạn cần giải quyết sự ngu dại của mình bắt đầu từ nội tâm. Hãy ăn năn với Đấng ban cho bạn cha và mẹ. Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và vâng giữ luật lệ của Ngài. Hãy giải quyết những bất mãn, những đắng cay, những  xung đột với cha mẹ của bạn. Đừng quên mở đầu và chấm dứt bằng lời xin lỗi cha mẹ của bạn.

Oaktreevu

Ngày 16 tháng 2. DỨT KHOÁT KHÔNG LÀM “ĐỐI TÁC”

16.02.13

 

20      19 Kẻ nào đi thèo lẻo bày tỏ điều kín đáo;

                 Vậy, chớ giao thông với kẻ hay hở môi quá. 

          19 Người mách lẻo tiết lộ điều bí mật,

                Con đừng nên giao dịch với kẻ hở môi.

                (Bản Hiện Đại)

“Mách lẻo dẻo môi, lôi lên đình, trình ông lý, ký vào sổ, tống cổ vào nhà giam”. Chẳng ai ưa người mách lẻo, nhất là nạn nhân của người mách lẻo. Câu Châm Ngôn này cho biết đặc điểm của người mách lẻo là “hở môi”.

Vì “môi hở”, vì “lưỡi dài” nên kẻ thèo lẻo nói nhiều, nói đủ thứ chuyện. Điều kín đáo, chuyện bí mật mà người mách lẻo tiết lộ là những tin tức liên quan đến đời sống riêng tư của người không có mặt vào lúc “buôn dưa lê” đó.

Đứa mách lẻo rêu rao chuyện kín giấu,

Người tín trung bảo mật chuyện riêng tư.

(Châm Ngôn 11:13)

Đó là những tin đồn, tin truyền miệng, những việc không đúng sự thật, hoặc được thêm thắt, thêu dệt về cá nhân của người vắng mặt.

Hai nạn nhân của người mách lẻo là (1)người bị làm “đối tượng” không có mặt nhưng được nói đến trong câu chuyện, và (2)người “đối tác” là người có mặt và nghe kẻ mách lẻo nói chuyện.

Để đối phó với kẻ mách lẻo, bạn đừng chấp nhận làm đối tác của hắn. Bạn có thể dùng những biện pháp “bịt tai” của mình và “bịt miệng” kẻ mách lẻo khi hắn bắt đầu bài ca mách lẻo. Nhiều người không phải là “đối tượng” nhưng lại thích làm “đối tác” của hắn.

Biện pháp mạnh hơn là không liên hệ với kẻ mách lẻo. Khi dứt khoát không làm “đối tác” của kẻ mách lẻo thì trước sau gì bạn cũng trở thành “đối tượng” của hắn.

Riêng bạn, bạn bảo mật được không? Hay là bạn cũng hở môi dài lưỡi? Bạn muốn được nhắc đến là kẻ ngồi lê đôi mách hay là người đáng tin cậy? Hãy kềm chế miệng lưỡi của bạn. Nếu không nói được điều tốt đẹp, tốt hơn hết là đừng nói gì cả.

Tôi tự nhủ, sẽ cố giữ gìn

Không để cho lưỡi tôi phạm tội,

Và khi kẻ ác xuất hiện,

Tôi sẽ khoá chặt miệng.

(Thi Thiên 39:1)

Oaktreevu

Ngày 15 tháng 2. CHÍN-NGƯỜI-MƯỜI-Ý VẪN ĐẮC DỤNG

15.02.13

 

20      18 Nhờ bàn luận, các mưu kế được định vững vàng;

                 Hãy đánh giặc cách khôn khéo.

 

          18 Chỉ nhờ hội bàn mới thành kế hoạch,

                Khi có cao kiến mới động binh đao.

                (Bản Hiện đại)

Làm thế nào để có những kế hoạch tốt cho gia đình, cho nhóm nhỏ, cho Hội thánh? Sách Châm Ngôn nhiều lần đề cập đến những “mưu sĩ” (Châm Ngôn 11:14; 15:22)

Người khôn đánh giặc dùng mưu,

Càng đông mưu sĩ, càng nhiều chiến công.

(Châm Ngôn 24:6)

Câu Châm Ngôn nêu ra vai trò quan trọng của các mưu sĩ, đó là “bàn luận”. Chúa Giê-xu cũng kể ẩn dụ về nhu cầu hội ý bàn bạc: “Có vua nào giao chiến với vua khác, mà trước hết lại chẳng ngồi xuống bàn xem mình với mười ngàn quân có thể nghinh chiến với người có hai mươi ngàn quân hay không? Nếu không, khi quân địch còn ở xa, vua lo phái sứ giả đi cầu hoà.”  (Lu-ca 14:31-32)

Nhiều vị “vua” thường ngại bàn luận. Có thể vì họ cho rằng mình là “vua” nên muốn làm gì thì làm, cũng có thể vì cho rằng chín người mười ý, bàn luận làm gì cho rối,… Vì vậy nhiều ông “vua” có những kế hoạch theo cảm tính, chẳng cần một mưu sĩ nào cả.

Khi nói đến “bàn luận” nghĩa là không hành động theo cảm tính, cũng chẳng làm theo điều mình cho là phải mà cần đến ý kiến của người khác. Một kế hoạch được bàn luận tức là có mưu sĩ, có góp ý, có suy nghĩ, có tính toán và phối hợp hành động.

“Bàn luận” tức là chuẩn bị kế hoạch với nhiều người, cho nhiều  người. Hội thánh tại An-ti-ốt đối diện với vấn đề của nhóm người Giu-đa: “Nếu không chịu cắt bì theo luật Mô-se thì không được cứu rỗi”. Ngay tại Hội thánh đã có một cuộc tranh luận sôi nổi (Công Vụ 15:1-2). Sau đó Hội thánh cử ông Phao-lô và ông Ba-na-ba cùng những người Giu-đa đến Giê-ru-sa-lem để bàn luận với các sứ đồ và trưởng lão. Kinh Thánh cho biết các “mưu sĩ” cứu xét và thảo luận khá lâu (Công Vụ 15:6-7). Kết quả của việc thảo luận là vấn đề được giải quyết, “các tín hữu nước ngoài đều vui mừng vì được an ủi” (Công Vụ 15:31)

Oaktreevu

Ngày 14 tháng 2. SẠN SỎI TRONG CUỘC SỐNG

14.02.13

 

20     17 Bánh nhờ dối gạt mà được lấy làm ngon ngọt cho người;

                Nhưng kế sau miệng người đầy sạn.

 

          17 Bánh gian lận mới ăn như ngon ngọt,

                Nhưng vào miệng, bánh biến thành sạn sỏi.

                (Bản Hiện Đại)

-Người phạm tội cần biết rằng về lâu về dài tội sẽ đổ lại trên chính mình (Dân Số Ký 32:23). Kinh Thánh cảnh cáo người tin Chúa như sau: “Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy. (Ga-la-ti 6:7) Dầu vậy, qui luật “gieo gì gặt nấy” bị thế gian, xác thịt và ma quỷ đổi trắng thành đen kèm với những lời đường mật trấn an rằng chẳng có chuyện gì xảy đến cho người dối trá lọc lừa. Thậm chí con người còn rất thoả mãn và hạnh phúc về những thành công nhờ sự dối trá của mình.

Người tiếp thị cho dối trá là dâm phụ: “Nước uống trộm ngon lắm, bánh ăn vụng khoái ghê!” còn người tiêu thụ chẳng biết nhà nó là mồ chôn người chết, khách nó xuống vực thẳm âm ty. (Châm Ngôn 9:16-17)

-Câu Châm Ngôn này vạch ra sự thật: cái mà sự gian dối (bánh gian lận) gọi là “ngon ngọt” khi ăn vào sẽ trở thành “sạn sỏi” ở trong miệng. Hoá ra những điều đạt được một cách không ngay thẳng chỉ làm thoả mãn (ngon ngọt) trong giây lát. Còn cuối cùng nó sẽ làm cho khó chịu và tồi tệ như miệng đầy sạn. Ông Sô-pha bàn luận về kẻ ác như sau: “Kẻ ác dù hoan ca cũng chỉ tạm thời, và niềm vui của kẻ vô đạo sớm tàn tắt?” (Gióp 20:5)

Dù Chúa đã cấm nhưng ông A-đam và bà Ê-va cứ ăn trái của cây cấm nên vị ngon ngọt trong phút chốc biến thành cay đắng suốt cuộc đời (Sáng Thế Ký 3). Khi chiếm thành Giê-ri-cô giàu có, không ai trong dân I-sơ-ra-ên dám lấy bất cứ vật gì, ngoại trừ ông A-can. Chưa mặc áo choàng, chưa dùng đến vàng bạc thì ông và toàn gia đã bị tiêu diệt. (Giô-suê 7) Ông Ghê-ha-xi nhờ dối gạt mà có bạc, có áo mới, nhưng chưa kịp sử dụng đã bị phung suốt đời. (II Các Vua 5:20-27) Hoàng tử Am-nôn dối cha, gạt em nên “miếng bánh ngon ngọt” trở thành sạn sỏi suốt cuộc sống ngắn ngủi (II Sa-mu-ên 13).

Gian dối chẳng những huỷ hoại con người khi ở trần gian mà còn huỷ hoại con người trong cõi đời đời. Còn những kẻ hèn nhát, vô tín, hư hỏng, sát nhân, gian dâm, tà thuật, thờ thần tượng và dối trá, đều phải vào hồ lửa diêm sinh. (Khải Thị 21:8)

Oaktreevu

Ngày 13 tháng 2. BIẾU > BẢO LÃNH

13.02.13

  20   16 Hãy cầm lấy áo hắn, vì hắn có bảo lãnh cho người khác.

                Hãy buộc họ một của cầm,  bởi họ đáp thế cho người đàn bà lạ.

          16 Phải nắm áo người bảo lãnh,

                Nhất là bảo lãnh cho người xa lạ.

                (Bản Hiện Đại)

Sa-lô-môn là vị vua khôn ngoan và rất giàu có. Các con của vua lớn lên trong sự giàu có nhưng chưa có sự khôn ngoan. Vua không muốn người khác lợi dụng sự giàu có của mình, đồng thời lo dạy các con khôn ngoan trong các mối liên hệ. Sách Châm Ngôn nhiều lần cảnh báo việc bảo lãnh cho người sơ giao, người lạ mặt (Châm Ngôn 6:1-5; 11:15), vội vàng bảo lãnh (Châm Ngôn 17:18), không có khả năng tài chánh để bảo lãnh (Châm Ngôn 22:26-27), bảo lãnh cho người xa lạ. (Châm Ngôn 27:13)

Người đứng ra bảo lãnh cho người khác là người chấp nhận rủi ro, tỏ ra can đảm nhưng quyết định có thể hấp tấp hoặc phát xuất từ tánh bốc đồng, điên dại hoặc cả tin. Bảo lãnh cho người mà mình không biết rõ là một sự liều lĩnh ngu dại. Kẻ dại đâm đầu hướng tới tai hoạ. Kẻ ngây ngô tin hết mọi điều. Người thận trọng dè dặt từng đường đi nước bước. (Châm Ngôn 22:3b; 14:15)

Để người bảo lãnh ý thức việc làm và trách nhiệm của mình, để giao dịch không bị lợi dụng, không bị thiệt hại, cần có sự bảo đảm. Sự bảo đảm này không phải bằng lời nói mà bằng vật thế chấp hoặc tiền đặt cọc. Khi một người cho anh em mình mượn bất kỳ vật gì, không được vào nhà người ấy để lấy vật thế chân. Nhưng người cho vay phải đứng bên ngoài, đợi nguòi ấy đem vật thế chân ra. (Phục Truyền 24:10-11)

Một người khôn ngoan khi giao dịch sẽ không đặt sự tin tưởng vào người xa lạ, sẽ không mạo hiểm trong vấn đề tài chánh. Nếu có khả năng tài chính, nên chăng bày tỏ lòng yêu thương bằng cách giúp đỡ người nghèo qua một kế hoạch thay vì đợi đến khi họ nợ nần rồi mới đứng ra bảo lãnh với vô vàn lo âu và rủi ro.

Oaktreevu